CHUYỂN ĐỔI SỐ: CHẤT XÚC TÁC TẠO SỰ GẮN KẾT HƠN NỮA GIỮA ĐẢNG VÀ NHÂN DÂN
Nhiều sáng kiến đã được triển khai đẩy công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn, chẳng hạn như: Sổ tay Đảng viên điện tử, trang thông tin trên mạng xã hội...
Chuyển đổi số đang tạo ra cơ hội tương tác và giao tiếp trực tiếp giữa các cơ quan chức năng với người dân thông qua các nền tảng số, đem đến những thay đổi rất tích cực trong công tác tư tưởng, lý luận. Điều này giúp tăng cường sự đồng thuận xã hội đối với các giá trị và nền tảng tư tưởng của Đảng đồng thời giúp giải đáp kịp thời những thắc mắc, băn khoăn của quần chúng nhân dân.
Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học quốc gia: “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức ngày 31/10.
Lan tỏa thông điệp chính trị trên mạng xã hội
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã đạt được một số kết quả nhất định; góp phần giúp cán bộ, Đảng viên và Nhân dân dễ dàng tiếp cận được nguồn thông tin mà không giới hạn về thời gian và không gian.
Nhiều sáng kiến đã được triển khai đẩy công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn, chẳng hạn như: Sổ tay Đảng viên điện tử - chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là người dùng có thể cập nhật mọi thông tin, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của địa phương; hay các trang mạng xã hội có tick xanh Thông tin Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn… giúp phổ biến thông tin, giải đáp kịp thời những thắc mắc, băn khoăn của quần chúng nhân dân.
Theo Thạc sỹ Đào Xuân Dũng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, hiện nay thành phố đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền lưu động, báo chí, cổng thông tin điện tử, Fanpage, Facebook… thu hút đông đảo sự tương tác, chia sẻ của cán bộ, Đảng viên và Nhân dân.
“Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động lập ra các trang, nhóm Zalo hoạt động 24/24 để kịp thời cập nhật thông tin thời sự, định hướng tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thành phố đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện xây dựng và phát hành các Bản tin Thông tin nội bộ dưới hình thức quét mã QR,” ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, cách làm này đã thúc đẩy sự tham gia của người dân vào công tác tư tưởng. Các nền tảng số không chỉ là kênh tuyên truyền một chiều, mà còn là nơi để người dân tham gia vào các cuộc thảo luận, đóng góp ý kiến về công tác tư tưởng của Đảng, từ đó tạo ra sự gắn kết giữa Đảng và Nhân dân trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng.
Thạc sỹ Đỗ Thị Hải Đăng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng chỉ ra những đổi mới về hình thức và nội dung truyền thông về công tác tư tưởng, lý luận trong bối cảnh chuyển đổi số. Theo đó, một trong những cách hiệu quả nhất là tận dụng sức mạnh của các nền tảng số.
“Các kênh truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, YouTube hay TikTok đang trở thành những nơi tiếp nhận thông tin chính của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ. Các cơ quan chức năng cần tạo ra các trang mạng xã hội chính thức để phát động các chiến dịch truyền thông về tư tưởng, lý luận của Đảng,” bà Đăng nói.
Thạc sỹ Đỗ Thị Hải Đăng lấy ví dụ một số địa phương đã thành công trong việc sử dụng mạng xã hội để lan tỏa các thông điệp chính trị. Những video ngắn trên YouTube hay các bài đăng sinh động trên Facebook đã thu hút được sự chú ý và tương tác của người dân, từ đó nâng cao nhận thức và hiểu biết về các chủ trương, chính sách của Đảng.
Một ví dụ khác là việc sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là trang Facebook Thông tin Chính phủ có nhiều bài viết, đồ họa và video giúp người xem dễ dàng tiếp cận và nắm bắt thông tin. Tính đến tháng 9/2024, số lượng người theo dõi trang đã tăng lên tới 5.3 triệu người, cho thấy mức độ quan tâm và tương tác cao của công chúng đối với thông tin được truyền tải qua kênh này.
“Truyền thông tư tưởng, lý luận của Đảng dựa trên dữ liệu về hành vi của người dùng công nghệ không chỉ là một xu thế tất yếu mà còn là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Bằng cách sử dụng công nghệ, Đảng có thể tạo ra các thông điệp phù hợp hơn, thu hút được sự quan tâm và đồng tình của người dân, công tác truyền thông tư tưởng có thể phát huy tối đa hiệu quả, góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước,” bà Đăng nhấn mạnh.
Đổi mới 'phương thức sản xuất số'
Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong công tác tuyên truyền đã được ghi nhận. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu ra quan điểm chỉ đạo “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình thông tin, truyền thông trên internet. Kiên quyết loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị xã hội, thuần phong mỹ tục”.
Mới đây, trong bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới,” Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số.”
Tổng Bí thư nêu rõ đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng.
Để có thể thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo này, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Thị Kim Hậu, Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng cần nâng cao nhận thức và hành động của các chủ thể trong công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng trong chuyển đổi số hiện nay.
“Kẻ thù luôn dùng nhiều thủ đoạn tinh vi và công cụ hiện đại để tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Nếu chúng ta còn trì trệ trong nhận thức và hành động sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Vì vậy, công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng trong chuyển đổi số hiện nay là nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội,” bà Hậu nhấn mạnh.
Tiếp đó, bà Hậu cho rằng cần xây dựng một hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ, an toàn và đáng tin cậy song song với việc xây dựng lực lượng đấu tranh tư tưởng, lý luận không chỉ có sự am tường về tri thức khoa học lý luận chính trị còn phải có trình độ công nghệ cao trong thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, cần chủ động đấu tranh từ sớm, từ xa đối với mọi hành vi của các đối tượng trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Cùng quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.
Theo ông Sơn, đối với đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cần cam kết chính trị mạnh mẽ của các cấp, cơ quan liên quan.
“Xuất phát từ nhận thức đầy đủ lợi ích của chuyển đổi số, các đơn vị liên quan cần chỉ đạo xây dựng chiến lược, lộ trình, kế hoạch, phân bổ nguồn lực để chuyển đổi số kịp thời, đồng bộ. Cơ sở đào tạo lý luận chính gồm Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 4 học viện khu vực, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các trường chính trị cấp tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng cấp huyện và một số cơ sở khác liên quan phải tiên phong bằng những hành động thiết thực trong chuyển đổi số”, ông nói.
Theo Vietnamplus.vn