A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

7 loại thực phẩm bạn nên tránh trong kỳ nghỉ Tết để đảm bảo an toàn

Đừng để bệnh do thực phẩm hoặc các vấn đề về dạ dày làm ảnh hưởng đến kỳ nghỉ Tết của bạn. Tránh những thực phẩm và đồ uống này để đảm bảo an toàn.

1. Động vật có vỏ sống dễ gây ngộ độc

ThS.BS. Trần Thị Minh Nguyệt - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các nguyên liệu sống có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng,...

Do đó, nên tránh hàu sống và tất cả các loại động vật có vỏ sống khác, chúng có thể khiến bạn bị ốm nặng và làm hỏng kỳ nghỉ của bạn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, một số động vật có vỏ sống và chưa nấu chín, chẳng hạn như hàu, trai và hến, có nguy cơ nhiễm vibriosis - một bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong. Hàu được nuôi trong môi trường không đảm bảo, hoặc quá trình sơ chế không vệ sinh… có thể nhiễm loại vi khuẩn Vibro khiến người ăn phải có thể tử vong.

2. Rau củ chưa nấu chín

Trong dịp Tết, bạn nên chú ý không nên ăn các món salad được làm từ cà chua, hành tây, rau xà lách, ớt chuông, dưa chuột,… thay vào đó chọn các loại trái cây và rau đã nấu chín.

Theo BS. Trần Thị Minh Nguyệt, rau củ quả rất dễ bị ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, vi sinh vật gây bệnh. Do đó nên chọn các loại rau quả tươi với hình dáng nguyên vẹn, không bị dập nát, rau củ có màu sắc tự nhiên, không có mùi lạ, không dính "chất lạ" trên lá hoặc cuống quả.

Để tránh ăn phải các loại rau quả bị phun chất kích thích, tồn dư chất bảo quản gây ngộ độc, nên mua thực phẩm ở những địa chỉ tin cậy và tốt nhất nên nấu chín chúng trước khi ăn

3. Sữa chưa tiệt trùng

Sữa là một nguồn dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, tốt nhất nên tránh uống sữa tươi chưa được tiệt trùng. Lý do là, có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh được tìm thấy trong sữa tươi chưa tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa tươi sống bao gồm pho mát mềm, kem và sữa chua như: Salmonella, Brucella, Campylobacter, Cryptosporidium, E. coli, Listeria,…

Đặc biệt với phụ nữ mang thai và trẻ em, uống sữa chưa tiệt trùng có nguy cơ cao nhiễm các loại vi khuẩn có hại có thể gây bệnh nghiêm trọng.

 

4. Uống nước đá có nguy cơ ngộ độc

Tốt hơn hết là bạn nên uống đồ uống ở nhiệt độ phòng, tránh đồ uống đông lạnh hoặc đồ pha trộn có đá. Nhiều người mắc bệnh tiêu chảy do E.coli không nhiễm bệnh từ thức ăn mà từ nguồn nước đá làm lạnh đồ uống của họ. Uống nước đá lạnh trong những ngày nhiệt độ xuống thấp còn có thể gây kích thích niêm mạc họng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và dẫn đến viêm họng, viêm đường hô hấp.

5. Thức ăn tự chọn

Bạn nên cảnh giác với những món ăn tự chọn đã để lâu ở nhiệt độ không phù hợp trong một khoảng thời gian dài. Mặc dù các vi khuẩn gây bệnh có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao trong quá trình chế biến nhưng thực phẩm đã được nấu chín kỹ để ở nhiệt độ thường hoặc ấm có thể bị tái nhiễm vi khuẩn.

6. Sushi

Tránh tiêu thụ thịt, hải sản và gia cầm chưa nấu chín, tất cả đều là nơi chứa mầm bệnh từ thực phẩm có thể khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm và hủy hoại kỳ nghỉ của bạn. 

Khi thưởng thức sashimi hoặc sushi có chứa cá sống, cần lưu ý nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây bệnh. Cách tốt nhất để phòng ngừa nhiễm bệnh là không ăn cá sống.

7. Rau mầm

Hầu hết các loại rau mầm đều phải trồng trong môi trường ấm, đây là điều kiện để các loại vi khuẩn phát triển. Rau mầm rất khó rửa sạch và là nơi sinh sản hoàn hảo cho các vi khuẩn như Salmonella vì chúng phát triển trong điều kiện ấm áp và ẩm ướt. Những mầm đó cũng có thể chứa Listeria và E. Coli, những vi khuẩn này phát triển trong quá trình nảy mầm của rau.

Đất để gieo rau mầm có thể chứa nhiều kim loại nặng hoặc hàm lượng nitrat cao, khi ăn vào có thể bị ngộ độc, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Ăn rau mầm có thể gây ngộ độc thực phẩm cả khi ăn sống hoặc thậm chí nấu chín.

 
Theo Suckhoedoisong.vn

Tác giả: Lê Hải Vân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết