A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài thuốc “Độc hoạt tang ký sinh” trị bệnh cơ xương khớp

Trong y học cổ truyền có rất nhiều bài thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh cơ xương khớp khá hiệu quả. Trong đó bài thuốc “Độc hoạt tang ký sinh” có nhiều ưu điểm nổi trội hơn cả. Hiện nay, Bệnh viện Y học cổ truyền Lào Cai có đầy đủ thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Bệnh cơ xương khớp theo quan điểm đông y

Bệnh cơ xương khớp Đông y gọi là chứng phong, phong thấp, hàn thấp, phong nhiệt. Nguyên nhân gây bệnh do ngoại nhân, do nhiễm phải khí lục dâm chủ yếu là phong hàn, hoặc bệnh nhân sống trong điều kiện ẩm thấp lâu ngày hàn thấp nhiễm vào thận. Nội nhân chứng phong thường bắt nguồn từ thận âm hư, dẫn đến can (gan) âm hư, không khống chế được can dương, làm dương hư bốc hỏa thành phong. Phong thường có ba loại: Phong hàn, phong thấp, phong nhiệt.

Phong hàn thường đau khu trú ở một số khớp nhất định phần nhiều các khớp ở cổ tay, bàn tay, đầu gối, mắt cá hai chân và bàn chân. Bệnh nhân đau về ban đêm nhiều hơn ban ngày. Vì hàn thuộc âm, ban đêm cũng thuộc âm. Khi hai cái âm gặp nhau thì bệnh đau tăng lên. Bệnh lâu ngày sinh chứng thoái hóa xương khớp, tay chân bị biến dạng.

Điều trị: Khu phong, tán hàn, bổ can thận 

Phong thấp: Bệnh bắt nguồn từ tỳ dương hư sinh hàn, hàn tích lâu ngày sinh thấp. Bệnh thường khu trú ở hai khớp gối trở xuống đến hai bàn chân. Bệnh nhân đau nhức cả ngày và đêm, hai chân sưng nặng nề đi lại khó khăn.

Điều trị: kiện tỳ bổ thận khu phong trừ thấp, tiêu đàm ẩm.

Phong nhiệt: Chứng này ít gặp thường gọi thấp nhiệt, phong nhiệt, thấp tim. Chứng phong nhiệt sưng đỏ đau lan tỏa ở nhiều khớp, đau ban ngày nhiều hơn ban đêm. Đông y gọi là phong chạy. Bệnh thường nhiễm vào mùa hè đang nắng gắt gặp mưa rào thấp và nhiệt bốc lên nhiễm phải mà sinh bệnh.

Điều trị: Thanh nhiệt giáng hỏa khu phong trừ thấp giảm đau.

Bài thuốc “Độc hoạt tang ký sinh” trị bệnh cơ xương khớp

Nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí.

Đông y điều trị chứng phong hàn, phong thấp thường dùng bài “Độc hoạt tang ký sinh” để điều trị. Bài này có tác dụng: Bình can, bổ thận, khu phong tán hàn, trừ thấp, bổ khí hành huyết. Do đó Đông y dùng để điều trị chứng phong hàn và phong thấp. Nhiều thế hệ thầy thuốc đông y đã dùng bài thuốc này để điều trị có kết quả tốt cho nhiều bệnh nhân. Bài Độc hoạt tang ký sinh của danh y Tôn Tư Mạo đăng trong cuốn “Bị cấp thiên kim yếu phương” có 15 vị thuốc, và dùng liều lượng để phối ngũ như sau: Độc hoạt 8 gam, tang ký sinh 12 gam, tần giao 12 gam, phòng phong 8 gam, tế tân 4 gam, đương qui 12 gam, bạch thược 12 gam, xuyên khung 6 gam, sinh địa 12 gam, đỗ trọng 12 gam, ngưu tất 8 gam, nhân sâm 4 gam, phục linh 12 gam, nhục quế 4 gam, cam thảo 4 gam.

Nguồn gốc và ý nghĩa của bài thuốc

Ngày xưa, các Hoàng đế Trung Hoa do ăn uống nhiều chất bổ dưỡng, ít vận động nên thường đau, nhức mỏi, khó chịu, cá biệt có người đau tê cả hai chân, đi lại khó khăn. Hoàng đế yêu cầu các quan ngự y đệ trình bài thuốc. Hàng trăm bài thuốc của các quan ngự y đã được đệ trình lên Hoàng đế. Riêng chỉ có danh y Tôn Tư Mạo đệ trình lên một bài thuốc rất đơn giản. Đó là bài thập toàn đại bổ gia giảm, kết hợp với cao xương dê và mật ong, làm viên hoàn dâng lên vua.

Ông giải thích rằng: Bài Thập toàn đại bổ, bỏ bạch truật, hoàng kỳ, gia nhục quế, đỗ trọng, độc hoạt, ngưu tất, tang ký sinh tần giao, tế tân, có tác dụng trị chứng đau nhức khắp cơ thể, tê mỏi hai chân của Hoàng đế. Đó chính là bài “Độc hoạt tang ký sinh” của Tôn Tư Mạo (Theo Thành đô phương tễ học). Ông cho rằng: Con dê hàng ngày ăn hàng trăm thứ lá, con ong hàng ngày hút mật hàng trăm loại hoa, đó là những bài thuốc mà con người không thể tổng hợp được để có thể điều trị cho nhiều chứng bệnh, cho nên dùng bài thuốc trên phối hợp với cao xương dê, quyện với mật ong để điều trị bệnh cho Hoàng đế. Quả nhiên sau một thời gian điều trị Hoàng đế lành bệnh. Đó là nguồn gốc sâu xa của bài “Độc hoạt Tang ký sinh” và cách gia giảm của nó mà đến nay các thế hệ thầy thuốc đông y vẫn đang áp dụng để điều trị cho bệnh nhân mắc chứng đau cơ xương khớp (phong tê thấp).

Tác dụng của các vị thuốc

Độc hoạt: Vị cay, tính ôn vào kinh can và kinh thận, có tác dụng trừ phong tà, táo hàn thấp. Trị các chứng phong hàn thấp, làm đau nhức lưng, gối, tê mỏi.

Độc hoạt trị các chứng phong hàn thấp.

Tang ký sinh (tầm gửi cây dâu): Vị đắng tính bình vào hai kinh can và thận, có tác dụng bổ can thận, làm mạnh gân cốt, ngoài ra, còn có tác dụng an thai và xuống sữa, trị các chứng đau nhức mỏi trong cơ thể.

Tần giao: Vị đắng tính bình vào bốn kinh can, đởm, vị và đại tràng, có tác dụng trừ phong thấp, điều hòa khí huyết, thanh nhiệt lợi tiểu. Điều trị các chứng phong tê thấp, tay chân bị co rút biến dạng.

Phòng phong: Vị cay ngọt, tính ôn, vào năm kinh Can, phế, tỳ vị, bàng quang, có tác dụng phát hãn, giải biểu, trừ phong thấp, trị đau các khớp, đau nhức mỏi toàn thân, các chứng tý do hàn thấp, phong tà.

Tế tân: Vị cay tính ấm, vào bốn kinh can thận tâm phế, có tác dụng trừ phong tán hàn, thông khiếu hành thủy, giảm đau, trị các chứng đau khắp mình mẩy, đau nhức đầu, đau tức ngực, trị các chứng phong hàn thấp tý. Đặc trị chứng đau nhức chân răng rất tốt.

Đương qui: Vị cay đắng ngọt thơm, tính ấm, vào ba kinh tâm, tỳ, can, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt tràng, trị các chứng huyết hư đau tê nhức, bổ khí để sinh cơ, đại tiện táo bón.

Bạch thược (tẩm giấm sao): Vị chua đắng, tính hơi hàn, vào phần huyết của kinh can, có tác dụng tả can hỏa, tán ác huyết (huyết có triệu chứng nhiễm trùng), trị đau nhức mỏi.

Xuyên khung: Vị cay tính ôn vào ba kinh Tâm bào, can, đởm (túi mật) có tác dụng hoạt huyết hành khí khu phong giảm đau, trị các chứng: Phong thấp sưng đau các khớp, hành huyết tán ứ, đau đầu chóng mặt.

Sinh địa: Vị ngọt đắng, tính mát, vào ba kinh tâm can thận có tác dụng bổ chân âm, lương huyết, thông huyết mạch, bồi bổ ngũ tạng, tăng khí lực làm sáng mắt, trị các chứng huyết ứ do tổn thương tân dịch.

Đỗ trọng: Vị ngọt hơi cay tính ấm vào hai kinh can và thận, có tác dụng bổ can thận, cường gân cốt, trị các chứng đau lưng, đau đầu gối, đi lại khó khăn.

Ngưu tất (tẩm rượu sao): Vị đắng chua tính bình, vào hai kinh can và thận có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, trị chứng đau hai đầu gối, đi lại khó khăn.

Nhân sâm: Vị ngọt hơi đắng, tính hàn (nếu sâm cao ly thì tính ôn, nếu sâm cát lâm Trung Quốc vì tính hàn nên phải sao với nước gừng để giảm tính hàn) vào 12 kinh mạch của các tạng phủ, có tác dụng bổ đại nguyên khí.

Phục linh (bạch linh): Vị ngọt nhạt, tính bình vào 5 kinh Tâm, phế, thận, tỳ, vị, có tác dụng làm cường tráng cơ thể nhuận táo bổ tỳ, ích khí sinh tân dịch, trị các chứng đau do khí nghịch và các chứng lâm (nước tiểu đục).

Nhục quế: Vị ngọt cay, tính đại nhiệt, vào hai kinh Can và thận, có tác dụng bổ chân hỏa, trợ dương, khu hàn, giảm đau, trị các chứng mệnh môn hỏa suy yếu, tay chân lạnh.

Cam thảo: Vị ngọt tính bình vào 12 kinh lạc, có tác dụng bổ tỳ nhuận phế, ích tinh, điều hòa các vị thuốc, làm tỳ vị mạnh lên để hấp thụ các vị thuốc khác.

Trên đây là tác dụng của từng vị thuốc nhưng trong một bài thuốc đông y, ngoài ý nghĩa của Quân thần, tá, sứ, việc phối hợp các vị thuốc để làm cho Quân thần tá sứ mạnh lên là hết sức quan trọng. Trong bài Độc hoạt tang ký sinh: Độc hoạt, tế tân, phòng phong, tần giao phối hợp với nhau để có đủ sức mạnh khu phong trừ thấp. Tang ký sinh, ngưu tất, đỗ trọng phối hợp với nhau để nâng cao tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, cơ bắp. Nhân sâm, phục linh, cam thảo phối hợp với nhau để bổ đại nguyên khí, tăng cường chính khí, tiêu diệt tà khí. Đương qui, bạch thược, xuyên khung phối hợp với nhau để dưỡng huyết, điều hòa doanh huyết, bổ can thận, ích khí huyết. Nhục quế có tác dụng ôn tán hàn tà, thông lợi huyết mạch, có tác dụng tuyên tý chỉ thống, giảm đau. Toàn bộ bài thuốc có tác dụng ích bổ can thận, bổ khí huyết, khu phong, tán hàn, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc trị đau các khớp và đau khắp cơ thể của người cao tuổi và người ở độ tuổi trung niên, kể cả nam và nữ. Các thế hệ thầy thuốc đông y sau này, qua kinh nghiệm lâm sàng của bản thân gia giảm thêm một số vị thuốc vào bài độc hoạt tang ký sinh để điều trị cho bệnh nhân đau cơ xương khớp và xem đây là bài thuốc gia truyền.

           Bệnh viện Y học cổ truyền Lào Cai, nơi chứa đựng những tinh hoa của dân tộc trong công tác khám chữa bệnh, áp dụng, kế thừa và phát triển Y học cổ truyền theo hướng đa khoa y học cổ truyền để đem đến một nền y học cổ truyền toàn diện. Đặc biệt, nơi đây chúng tôi có đủ các bài thuốc cổ phương, đối pháp lập phương điều trị nhiều mặt bệnh mãn tính, kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc đem lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh. 


Tác giả: Lê Hải Vân
Tổng số điểm của bài viết là: 23 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết