A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KHÁNG KHÁNG SINH VÀ MỘT SỐ THÓI QUEN XẤU

Thuốc kháng sinh là vũ khí tuyệt vời do con người tạo ra để chống lại các bệnhdo nhiễm vi khuẩn, nhưng giờ đây vi khuẩn lại có khả năng đề kháng lại thuốc kháng sinh vốn được dùng để tiêu diệt chúng. Kháng kháng sinh đang là mối đe dọa lớn nhất đối với toàn ngành y tế nói riêng và cả xã hội nói chung.

Kháng kháng sinh xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh làm cho kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc ngăn chặn được sự phát triển của chúng. Kháng sinh là tình trạng vi khuẩn không còn nhạy cảm và không bị tiêu diệt bởi loại kháng sinh đang điều trị. Đây là quá trình diễn ra theo đúng quy luật chọn lọc tự nhiên. Tuy nhiên, tốc độ vi khuẩn kháng thuốc đang gia tăng chóng mặt do sử dụng kháng sinh bừa bãi. Trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, vấn đề kháng thuốc đã trở nên báo động. Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng tăng, đang ở mức báo động, theo thống kê năm 2011, toàn cầu có khoảng 64.000 trưởng hợp lao đa kháng thuốc (MDR – TB). Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Hàng năm có hàng triệu người chết cho kháng thuốc, trong đó 1,4 triệu trẻ em và phải chi hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc, theo báo cáo năm 2013 của World Crisis, trung bình mỗi nước mất từ 04-1,6% GDP quốc gia cho phòng chống kháng thuốc. Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.

Việt Nam hiện đang thuộc nhóm quốc gia đứng đầu trên thế giới về tỷ lệ lạm dụng kháng sinh. Tại Việt Nam, thuốc kháng sinh được bày bán tràn lan, bệnh nhân và người nhà có thể tự mua dễ dàng mà không cần đơn thuốc hoặc chỉ định của bác sĩ, nhiều trẻ dùng thuốc trong những trường hợp không cần thiết (sổ mũi, ho, sốt, viêm họng...). Việc lạm dụng thuốc sẽ khiến vi khuẩn quen dần với kháng sinh, lâu dần nó tự sản sinh khả năng đề kháng với thuốc, khiến thuốc không còn tác dụng. Đáng báo động ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng đặc biệt ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với carbapenem thế hệ mới. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Trong phòng và điều trị lao, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở Việt Nam, dịch tễ lao còn diễn biến phức tạp. Năm 2015, Việt Nam vẫn đứng thứ 12 trong 22 nước có số người bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. Tỷ lệ lao kháng đa thuốc là 2,7% trong số bệnh nhân lao mới (khoảng 4800 bệnh nhân) và chiếm 19% trong số bệnh nhân lao điều trị lại (khoảng 3400 bệnh nhân).

Ngoài ra, tình trạng kháng kháng sinh (nhờn kháng sinh) còn đến từ việc chỉ định sử dụng quá mức (liều cao, phổ rộng, kéo dài...) hoặc sử dụng kháng sinh không đủ liều. Cách dùng không đủ liều, ngưng thuốc giữa chừng... có thể khiến các vi khuẩn có sẵn trong người dần trở nên kháng thuốc. Bên cạnh đó, sử dụng kháng sinh trong thời gian dài còn ảnh hưởng tới nhóm lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa, dễ gây rối loạn tiêu hóa.

Như vậy để phòng ngừa nguy cơ kháng kháng sinh chúng ta cần bỏ một số thói quen lâu nay đã phổ biến xã hội:

Một là không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh. Việc tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh là một hiện tượng đã phổ biến lâu nay trong xã hội Việt Nam như: dựa trên thói quen kinh nghiệm “cha truyền con nối trong gia đình” thế hệ trước truyền cho thế hệ sau về hiện tượng bệnh lý và cách sử dụng các loại thuốc khi gặp các hiện tượng đó; dựa vào hiện tượng bệnh lý để mượn đơn thuốc của người có biểu hiện tương tự (có thể là giống hoặc gần giống về biểu hiện bệnh lý) hoặc tra cứu, tham khảo trên mạng internet để mua thuốc về điều trị; sử dụng lại đơn thuốc của lần trước khi nhận thấy các loại thuốc đã phát huy hiệu quả tốt để sử dụng điều trị khi thấy triệu chứng, biểu hiện của bệnh gần giống với lần trước đó; một số bệnh phổ thông chưa cần thiết phải sử dụng thuốc kháng sinh hoặc một số bệnh chưa đến mức độ phải sử dụng thuốc kháng sinh.

Hai là không tự ý điều chỉnh liều lượng thuốc kháng sinh hoặc đổi chủng loại thuốc kháng sinh. Đây cũng là một thói quen phổ biến của các phụ huynh ở Việt Nam khi không dùng đúng chỉ định mà bác sỹ đã kê đơn, việc này diễn ra chủ yếu do một số tác động như sau: Trong quá trình mua thuốc tại các cửa hiệu thuốc trên thị trường có thể không có đúng chủng loại thuốc theo chỉ định, vì lợi ích nên hiệu thuốc có thể tư vấn cho khách hàng chủng loại khác có liều lượng lớn hơn dẫn đến quá trình điều trị triệu chứng bệnh dứt điểm nhanh hơn, cũng làm gia tăng khả năng kháng kháng sinh và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thói quen tự ý mua thuốc của người Việt về sử dụng; Kháng sinh cần có thời gian nhất định để phát huy tác dụng khi người bệnh uống, chứ không thể vừa uống, bệnh đã khỏi. Nhiều người uống thuốc mới được một, hai bữa, thấy bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm đã yêu cầu bác sĩ đổi thuốc ngay hoặc tự ý tăng liều, đổi chủng loại thuốc khác.  

Ba là không bỏ dùng thuốc khi chưa đủ liều chỉ định. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu bắt nguồn do bệnh nhân cảm thấy các triệu chứng bệnh lý đã đỡ nên chủ quan không tiếp tục thuốc hoặc một số người do lý do cá nhân, chủ yếu do bận công việc hàng ngày nên quên sử dụng và sử dụng cách nhật.

Như vậy để việc giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh chúng ta nên từ bỏ một số thói quen đã tồn tại lâu nay, đồng thời tăng cường tập thể dục, chú ý chế độ dinh dưỡng, đảm bảo cân bằng giữa lao động và nghỉ ngơi hàng ngày.


Tác giả: DSĐH Đỗ Diệu Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Đơn vị liên kết
Mạng xã hội