A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng dụng bài thuốc 'Lục vị hoàn' điều trị một số bệnh mạn tính

SKĐS - Một số bệnh mạn tính như: Suy nhược thần kinh, viêm đường tiết niệu mạn tính, tăng huyết áp và lao phổi đều có thể sử dụng bài lục vị hoàn làm cơ bản mà gia giảm cho phù hợp...

1. Thành phần bài thuốc

Bài thuốc Lục vị hoàn gồm: Thục địa hoàng 8 lạng, sơn thù 4 lạng, sơn dược 4 lạng, trạch tả 3 lạng, phục linh 3 lạng, đan bì 3 lạng.

Cách bào chế: Các vị (trừ thục địa) sao giòn tán mịn; thục địa nghiền tinh và mật chưng trộn đều với bột thuốc hoàn viên.

Công dụng: Tư âm bổ can thận.

Cách dùng: Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 g, uống cách xa bữa ăn.

Chỉ định điều trị: Chữa các chứng thận âm bất túc, lưng đau gối mỏi, đầu váng chóng mặt, tai ù, ra mồ hôi trộm, di tinh. Trẻ em thóp lâu liền hoặc hư hỏa bốc lên gây cốt chưng chiều nhiệt, lòng bàn chân tay nóng; đái tháo đường; hoặc hư hỏa gây ra đau răng, họng khô, lưỡi đỏ, mạch tế sác.

photo-1642771667836
Những vị thuốc trong thành phần bài thuốc "Lục vị hoàn"

 

Phương giải bài thuốc:

-Thục địa để tư thận ích tinh tủy.

-Sơn thù để tư thận ích can.

-Sơn dược để tư thận bổ tỳ.

Trong bài thuốc, 3 vị thuốc trên có tác dụng "Tráng thủy để chế ngự dương quang"- được cho là tam bổ. Mục đích là để bổ thận nên liều lượng thục địa là cao nhất.

-Trạch tả để tả thận giáng trọc.

-Đan bì để tả can hỏa.

-Phục linh để thẩm thấp trợ tỳ.

Ba vị này thuộc tam tả.

Như vậy bài thuốc có bổ: Thận, can, tỳ lại có tả: Thận, can, tỳ để giáng trọc khu tà. Lượng thuốc bổ nhiều hơn lượng thuốc tả như vậy tác dụng bổ là chủ yếu, liều lượng của các vị thuốc tả dùng ít hơn song tác dụng tả ở đây vừa giải quyết tà (nguyên nhân gây bệnh) vừa để cho các tác dụng tam bổ phát huy tác dụng tối đa (tà đi rồi thuốc bổ mới đắc lực- một bên là đóng, một bên là mở).

2. Những vị thuốc hợp với bài lục vị

Các vị bổ thận: Câu kỷ tử, nhục thung dung, hà thủ ô, thỏ ty tử, ngưu tất, đỗ trọng, tục đoạn.

Các vị bổ phế: Mạch môn đông, ngũ vị tử, sa sâm.

Các vị bổ can: Đương quy, bạch thược, hà thủ ô,

Các vị bổ huyết: A giao, lộc nhung, cao ban long.

3. Cách gia giảm bài thuốc trong điều trị bệnh mạn tính

Lục vị là phương thuốc cơ sở để tu bổ thận âm. Tùy theo chứng bệnh mà gia giảm.

Trong điều trị di tinh, hoạt tinh nên tăng sơn thù, hoài sơn.

Nếu âm hư kèm huyết nhiệt hỏa vượng thì thay thục địa bằng sinh địa và tăng đan bì.

Nếu thận hư thủy thũng hoặc thấp nhiệt gia tăng trạch tả, phục linh.

Nếu can huyết hư gia thêm đương quy, bạch thược để dưỡng huyết nhu can bổ thận.

Nếu phế thận âm hư thì gia ngũ vị tử, mạch môn để liễm phế nạp thận.

Nếu lưng gối đau mỏi gia thêm đỗ trọng, ngưu tất.

Nếu thận hư đi tiểu nhiều lần thì bỏ trạch tả, gia ích tử nhân, ngũ vị tử gia hoài sơn.

Phụ nữ nuôi con ít sữa thì tăng thục địa, bỏ trạch tả, gia mộc thông.

Trẻ em tiên nhiên bất túc gia thêm lộc nhung hoặc cao ban long.

Trẻ đầy hơi dùng thục địa sao khô đồng thời tăng bạch linh, trạch tả.

Trẻ em vừa sốt vừa rét gia sài hồ, bạch thược.

Trẻ sốt nóng kèm theo kinh giật gia long đởm thảo, sài hồ, bạch thược, tần giao.

4. Kiêng kị:

Không dùng trong các trường hợp:

  • Người tỳ vị hư yếu, đại tiện lỏng;

  • Người chân âm vượng- béo trắng;

  • Người bị chứng đàm trệ gây suyễn nghịch.  

         Theo SKĐS- TTND. BS Trần Văn Bản

Tác giả: Lê Hải Vân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết