Năm 2024, mỗi Bộ tổ chức một nghị chuyên đề về chuyển đổi số (CĐS) và phát triển kinh tế số trong lĩnh vực của từng bộ, ngành, từ đó sẽ mở ra cơ hội nâng cao nhận thức.
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị giao ban quản lý Nhà nước quý I năm 2024 ngày 11/3 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) với các sở TT&TT, các cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, ngành.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Nội vụ đã chia sẻ một số thông tin về công tác CĐS ở hai Bộ.
Bộ GTVT tập trung triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Phùng Văn Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ GTVT cho biết, hiện nay Bộ đang đẩy mạnh triển khai một số công tác liên quan đến CĐS của lĩnh vực GTVT như triển khai các bài toán về kinh tế số, đó là bài toán liên quan đến việc triển khai các hệ thống giao thông thông minh.
Theo ông Trọng, Bộ GTVT đang thực hiện thiết kế các hệ thống giao thông thông minh cho 16 trạm thu phí trên toàn quốc, dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn 2024 - 2026. Ngoài việc phát triển kinh tế số, công tác ứng dụng CNTT, CĐS của Bộ GTVT cũng được thực hiện tốt dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Tại hội nghị, ông Trọng cũng nhấn mạnh, Bộ GTVT đang muốn tập trung triển khai một hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung, với các trường thông tin như CSDL về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện, và CSDL về doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT.
Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thành những danh mục tài liệu này, dự kiến sẽ kết thúc trong giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành toàn bộ CSDL tập trung để có thể cung cấp dữ liệu mở cho một số cơ quan đơn vị có liên quan, thực hiện việc chia sẻ dữ liệu cho các Bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, ông Trọng cũng cho biết thêm, công tác CĐS trong các lĩnh vực chuyên ngành khác của Bộ như lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ,… hiện cũng được Bộ GTVT triển khai mạnh mẽ.
Hiện nay, các hoạt động liên quan đến ứng dụng CNTT của các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hàng hải, ví dụ cảng biển số, hay một số bài toán khác về CĐS, Bộ đã phối hợp với Bộ TT&TT thực hiện, và cũng đang triển khai một số cảng trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã triển khai những hệ thống CNTT mang tính chất nội bộ như hệ thống thông tin quản lý văn bản hay các hệ thống thông tin đồng bộ khác đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ.
“Đến nay, về cơ bản Bộ đã hoàn thành tất cả những chỉ tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT”, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ GTVT khẳng định.
Hơn 2 triệu hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được đồng bộ về CSDL quốc gia
Thông tin về việc xây dựng CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, tại hội nghị, ông Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ cho biết, trong năm 2023, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành hệ thống CSDL quốc gia của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và cũng đã có hơn 2 triệu hồ sơ được đồng bộ về CSDL quốc gia.
Ông Lê Thanh Tùng: Trong năm 2024, Bộ Nội vụ đã xây dựng kế hoạch CĐS của cụm, trong đó có nhiệm vụ phát triển và làm giàu dữ liệu CSDL quốc gia về CBCCVC trong sử dụng lý lịch điện tử, công tác quản lý cán bộ, và công tác đào tạo.
Trong giai đoạn này, Bộ Nội vụ đang đồng bộ, kết nối với C06 Bộ Công an để đối soát, làm sạch dữ liệu đối với các trường thông tin trong căn cước công dân.
Ông Lê Thanh Tùng cũng cho biết, về mặt kỹ thuật, Bộ Nội vụ đã kết hợp với Bộ Công an, Bộ TT&TT trong việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và kết nối để đồng bộ dữ liệu qua trục dữ liệu quốc gia.
Trong năm 2024, Bộ Nội vụ đã xây dựng kế hoạch CĐS của cụm, trong đó có nhiệm vụ phát triển và làm giàu dữ liệu CSDL quốc gia về CBCCVC trong sử dụng lý lịch điện tử, công tác quản lý cán bộ, và công tác đào tạo.
Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ cũng có kế hoạch rà soát và điều chỉnh các tiêu chí và tiêu chuẩn kỹ thuật về đồng bộ dữ liệu trong quá trình tinh chỉnh dữ liệu.
Về mặt thể chế, ông Tùng cho biết năm 2023, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BNV về Quy chế cập nhật, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin của CSDL quốc gia về CBCCVC trong các cơ quan Nhà nước.
Ngoài ra, gần đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã ký văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về công tác đôn đốc và triển khai thực hiện theo đúng quy định của Thông tư 06, đặc biệt, trong đó có nội dung xây dựng quy chế quản lý, vận hành và quản lý CSDL tại địa phương và bộ, ngành.
Theo ông Tùng, năm 2023, Bộ Nội vụ đã ban hành quy chế quản lý và vận hành CSDL của Bộ, do đó, các bộ, ngành, địa phương có thể tham khảo hoặc có thể thực hiện xây dựng quy chế quản lý phù hợp với từng bộ, ngành, địa phương mình.
“Bộ Nội Vụ mong muốn trong thời gian tới, Bộ TT&TT, Bộ Công an và các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, ngành, địa phương phối hợp cùng các cơ quan của Bộ Nội vụ trong công tác đảm bảo an toàn thông tin và đồng bộ dữ liệu trong quá trình thay đổi. Đặc biệt, những dữ liệu mới nhất của địa phương phải được đồng bộ về CSDL quốc gia đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Nội vụ bày tỏ./.