HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Mọi người cần biết nguy cơ về bệnh Đái tháo đường của mình và biết cách ứng phó - Đó là chủ đề Ngày Đái tháo đường (ĐTĐ) thế giới (World Diabetes Day).
Ngày 14/11 hàng năm được Liên hiệp quốc và Tổ chức Y tế thế giới chọn làm Ngày Đái tháo đường thế giới để kỷ niệm ngày sinh F. Banting, người cùng với Charles Best, phát minh ra insulin năm 1922 – loại thuốc đái tháo đường cứu mạng hàng trăm triệu người.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Đái tháo đường 14/11, nhằm kêu gọi mọi người cùng nâng cao nhận thức về bệnh Đái tháo đường. Đặc biệt, khuyến cáo người dân hãy xét nghiệm đường huyết 12 tháng 1 lần để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Người mắc bệnh Đái tháo đường cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng ăn uống cân đối và hợp lý (ăn uống tiết chế); uống thuốc đều đặn, xét nghiệm theo dõi đường huyết thường xuyên, ghi chép các chỉ số đường huyết cẩn thận, biết cách theo dõi và điều trị các biến chứng của đái tháo đường một cách hiệu quả.
Bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhược cơ quan.
Đái tháo đường được nhiều người biết đến ở dạng đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ. Ở Việt Nam, số người bị tiền đái tháo đường cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh. Trên thực tế, có rất nhiều người bị đái tháo đường nhưng không hề biết mình mắc bệnh, cho tới khi xuất hiện các biến chứng nặng trên tim, mắt, thận, thần kinh...
Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều. Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị, có thể gây ra nhiều biến chứng như: Hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc...
Thực trạng đái tháo đường hiện nay
Trên thế giới cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc đái tháo đường, trong đó 46,5% người bệnh chưa được chẩn đoán. Dự tính đến năm 2040, cứ 10 người lớn có 1 người mắc bệnh. 3/4 người mắc đái tháo đường ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Mỗi 6 giây có 1 người chết vì bệnh đái tháo đường. Chi phí y tế được sử dụng cho quản lý đái tháo đường chiếm 12% trên tổng chi phí y tế toàn cầu.
Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh con mắc bệnh hoặc các biến chứng khác của đái tháo đường. Cứ 7 đứa trẻ sinh ra thì có một trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường thai kỳ và có khoảng 542.000 đứa trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1.
Tính đến nay, 5 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có hai người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên, hơn 199 triệu phụ nữ sống với bệnh đái tháo đường và dự tính sẽ tăng lên 313 triệu người vào năm 2040. Trong đó, hai phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ thì có một người có nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 thực sự trong vòng 5 – 10 năm sau sinh. Phụ nữ mắc đái tháo đường tuýp 1 tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh con mang dị tật bẩm sinh. Trong khi, phụ nữ mắc đái tháo đường tuýp 2 có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch cao hơn gần 10 lần so với người bình thường.
Đái tháo đường đang trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong ở phụ nữ. Do đó, cần tiếp cận với các loại thuốc và giải pháp điều trị bệnh thiết yếu, giáo dục tự quản lý và cung cấp thông tin là chìa khóa đạt được kiểm soát đái tháo đường tối ưu.
Từ đó, hàng năm, IDF và WHO lấy ngày 14/11 hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về đái tháo đường, các biến chứng. Đến năm 2016, có hơn 230 tổ chức thành viên của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF) ở hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tổ chức và hưởng ứng sự kiện này.
Các tổ chức, công ty, các chuyên gia y tế, các chính trị gia, người nổi tiếng và người sống chung với bệnh đái tháo đường và gia đình tham gia hưởng ứng các hoạt động như: Các hương trình tầm soát đái tháo đường, chiến dịch phát thanh và truyền hình, sự kiện thể thao. Thông điệp đơn giản để phòng ngừa bệnh đái tháo đường được đưa ra:
- Không hút thuốc lá.
- Ăn nhạt, ăn nhiều rau xanh, ăn đủ lượng kali, ăn nhiều cá, ăn ít mỡ động vật.
- Hạn chế uống cà phê, bia rượu hoặc các đồ uống có cồn
- Duy trì cân nặng chuẩn BMI
- Rèn luyện thể lực mức độ trung bình: 30 phút mỗi ngày như đi bộ nhanh, đi xe đạp, chạy, chơi bóng bàn, bơi, khiêu vũ...