SKĐS - Các bài thuốc y học cổ truyền thường được sử dụng sau giai đoạn cấp của nhồi máu não nhằm giúp người bệnh hồi phục tổn thương và điều chỉnh những rối loạn về vận động, ngôn ngữ.
Nhồi máu não là tình trạng đột quỵ xảy ra do động mạch não bị hẹp, tắc nghẽn (mảng xơ vữa, huyết khối từ tim, bệnh mạch máu nhỏ ở não…) hoặc do hạ huyết áp, dẫn đến thiếu cung cấp máu lên não.
Điều này khiến một phần não bị suy giảm chức năng, rối loạn hoạt động. Nếu kéo dài và không được khắc phục kịp thời có thể gây ra tình trạng hoại tử não do thiếu oxy và glucose. Nhồi máu não chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ, gây tử vong cao thứ 2 sau bệnh tim thiếu máu cục bộ và là nguyên nhân hàng đầu của tàn tật.
Các dấu hiệu cảnh báo của nhồi máu não bao gồm sự xuất hiện đột ngột của:
Tê liệt cấp tính, yếu hoặc tê cứng mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là một bên của cơ thể
Mất thăng bằng đột ngột, chóng mặt
Mờ mắt hoặc giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt, hoặc nhìn đôi
Lú lẫn đột ngột, nói khó hoặc không hiểu các câu đơn giản
Bệnh thường để lại những hậu quả nặng nề. Người bệnh phải đối mặt với rất nhiều rối loạn chức năng về vận động, cảm giác, ngôn ngữ, nhận thức, trí nhớ… gây khó khăn cho việc tái hòa nhập với cuộc sống bình thường.
2. Nhồi máu não theo y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, những biểu hiện của nhồi máu não có nhiều điểm tương đồng với chứng bệnh trúng phong.
Nguyên nhân gây bệnh thường do chính khí cơ thể hư suy phong tà thừa cơ xâm nhập hoặc do ăn uống không điều độ ảnh hưởng chức năng của tỳ, dẫn đến đàm thấp tích tụ hoặc do giận dữ, lo sợ quá mức, lao lực, bệnh lâu ngày, bẩm tố tiên thiên bất túc, can thận hư suy mà hóa nhiệt sinh phong làm cho kinh lạc nửa người bế tắc, khí huyết vận hành không thông.
Điều trị bằng thuốc y học cổ truyền thường được sử dụng sau giai đoạn cấp khi tình trạng người bệnh đã ổn định, tổn thương não ngưng tiến triển nhằm mục đích cải thiện triệu chứng do tổn thương não gây ra cũng như điều chỉnh những rối loạn gây bệnh trước đó. Tùy vào biểu hiện của người bệnh mà dùng bài thuốc phù hợp.
Thành phần:Bán hạ chế 9g, thiên ma 18g, phục linh 18g, bạch truật 18g, trần bì 18g, cam thảo 3g, đại táo 3 quả, gừng tươi 1-2 lát. Sắc uống.
Chỉ định: Người bệnh có biểu hiện yếu liệt nửa người, tay chân tê dại, nặng nề, co rút, co cứng, khó cử động, nói đớ, nặng đầu, hoa mắt chóng mặt, lưỡi bệu, dính nhớt, rêu trắng dày, mạch huyền hoạt hoặc phù hoạt.
3.2 Nhị trần thang gia vị
Thành phần: Bạch truật 40g, phục linh 12g, nhân sâm 4g, cam thảo 4g, bán hạ chế 12g, trần bì 4g. Sắc uống.
Chỉ định: Người bệnh có biểu hiện liệt nửa người, tê tay chân, thể trạng béo bệu, đau nặng đầu, có thể có chóng mặt, lưỡi bệu, khó cử động, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch hoạt.
3.3 Lục vị địa hoàng hoàn gia quy thược
Thành phần: Thục địa 32g, hoài sơn 16g, sơn thù 8g, đơn bì 12g, phục linh 12g, trạch tả 6g, đương quy 12g, bạch thược 8g. Sắc uống.
Chỉ định: Người bệnh có biểu hiện yếu liệt nửa người, chân tay cứng đờ, có thể kèm run, đau lưng, mỏi gối, cảm giác nóng trong người, ra mồ hôi trộm, ngủ khó vào giấc, táo bón, tiểu ít, tiểu đêm, lưỡi đỏ không rêu, mạch huyền sác.
3.4 Bổ dương hoàn ngũ thang
Thành phần: Hoàng kỳ 40g, đương quy vĩ 6g, xích thược 4g, xuyên khung 3g, đào nhân 6g, hồng hoa 3g, địa long 3g. Sắc uống.
Chỉ định: Người bệnh có biểu hiện yếu liệt nửa người, tê bì, chi bên liệt mát, dinh dưỡng bì mao kém hơn chi bên lành, lưỡi tím có điểm ứ huyết, mạch tế sáp hoặc vô lực.
Bệnh viện Y học cổ truyền Lào Cai, nơi chứa đựng những tinh hoa của dân tộc trong công tác khám chữa bệnh, áp dụng, kế thừa và phát triển Y học cổ truyền theo hướng đa khoa y học cổ truyền để đem đến một nền y học cổ truyền toàn diện. Đặc biệt, nơi đây chúng tôi có đủ các bài thuốc cổ phương, đối pháp lập phương điều trị nhiều mặt bệnh mãn tính, kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc đem lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh.