A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm hiểu phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích

Tán sỏi bằng sóng xung kích còn có tên gọi khác là tán sỏi ngoài cơ thể. Đây là một công nghệ sốt phát trong điều trị bệnh lý sỏi đường tiết niệu. Từ khi được áp dụng, tán sỏi bằng sóng xung kích đã trở thành biện pháp điều trị hàng đầu và nhanh chóng thay thế gần như hoàn toàn kỹ thuật mổ hở.

Tán sỏi bằng sóng xung kích là gì?

Tán sỏi bằng sóng xung kích (Shock wave lithotripsy - SWL) được xem là một cuộc “cách mạng” trong điều trị sỏi đường tiểu trên. Từ khi xuất hiện vào năm 1983, kỹ thuật này đã trở thành phương tiện chữa bệnh sỏi niệu hàng đầu hay thế gần như hoàn toàn cho kỹ thuật phẫu thuật mở.

Mặc dù kỹ thuật lấy sỏi qua da có tỷ lệ sạch sỏi cao hơn SWL nhưng SWL lại vẫn chiếm ưu thế cao hơn tính chất “không xâm hại và có thể thực hiện nhiều lần”. Đây là một trong những yếu tố rất đáng quan tâm đối với những người bị sỏi niệu – một bệnh lý có tỉ lệ tái phát cực cao. Hiện nay ở các nước phát triển, có tới trên 50% tổng số bệnh nhân sỏi niệu được điều trị bằng kỹ thuật tán sỏi bằng sóng xung kích.


Tán sỏi bằng sóng xung kích chính là kỹ thuật tán sỏi ngoài da

Vậy tán sỏi bằng sóng xung kích là gì? Đây là kỹ thuật điều trị sỏi đường tiết niệu trên bằng sóng xung kích. Bản chất của loại sóng này là sóng áp lực âm với bước sóng ngắn (dưới 10 microsecond).

Máy tán sỏi bằng sóng xung kích bao gồm 4 bộ phận chính:

  • Nguồn tạo sóng xung kích: Bao gồm 3 loại là điện thủy lực, điện từ trường và cuối cùng là áp điện. Gần đây công ty Vaulx-en-Velin (EDAP) của Pháp đã chế tạo một nguồn tạo sóng mới dựa trên nguyên lý của điện thủy lực. Tuy nhiên, điện cực của nó lại được đặt trong một dung dịch dẫn truyền điện. Chính nhờ yếu tố này mà điện cực ít bị bào mòn đồng thời cường độ sóng chấn động ổn định hơn.

  • Thiết bị đặc biệt giúp tập trung sóng vào tiêu điểm.

  • Hệ thống định vị sỏi: Đó có thể là máy siêu âm, soi huỳnh quang hoặc kết hợp cả hai loại trên.

  • Môi trường dẫn truyền sóng.

Những trường hợp được chỉ định tán sỏi bằng sóng xung kích

Các đối tượng thường được chỉ định điều trị bằng phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích bao gồm:

  • Bệnh nhân sỏi thận: Theo hướng dẫn của hội Niệu châu Âu thì với những người bị sỏi thận có kích thước trên 6-7 mm thì nên chủ động can thiệp bằng sóng xung kích. Trong trường hợp kích thước sỏi nhỏ hơn 6-7 mm mà bệnh nhân có triệu chứng nặng cũng nên cân nhắc can thiệp. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý, kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể cũng chỉ áp dụng cho sỏi thận có kích thước dưới 15mm đồng thời không nằm ở đài thận dưới và cấu trúc thận bình thường

  • Bệnh nhân mắc sỏi niệu quản: Tán sỏi bằng sóng xung kích cũng có thể áp dụng cho người bị sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên sát đài bể thận và kích thước dưới 10mm. Đối người bị sỏi niệu quản đoạn 1/3 giữa hoặc dưới thì tán sỏi nội soi ngược dòng lại là phương pháp tối ưu nhất.

  • Chỉ định khác: Bắn sỏi bằng sóng xung kích cũng có thể được chỉ định điều trị sót sỏi sau khi tán sỏi qua da hoặc trong trường hợp sỏi bám trên ống thông niệu quản.


Bắn sỏi bằng sóng xung kích được chỉ định cho người mắc sỏi thận

Các đối tượng chống chỉ định thực hiện phương pháp bắn sỏi bằng sóng xung kích

  • Phụ nữ mang thai: Do sóng xung kích có thể gây hại tới sức khỏe thai nhi

  • Người bị rối loạn đông máu: Do sóng xung kích có nguy cơ gây hiện tượng tụ máu trong nhu mô/ dưới vỏ thận và nguy cơ tiểu máu kéo dài. Do vậy, với những người bị rối loạn đông máu trước khi tán sỏi cần điều chỉnh chức năng đông máu từ 12-48 giờ đồng thời theo dõi khả năng chảy máu sau 24 giờ tán sỏi. Trường hợp bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu thì cần phải ngưng thuốc trong ít nhất 1 tuần trước khi tán sỏi.

  • Người bệnh bị viêm đường tiết niệu cấp: Việc tán sỏi có thể gây phát tán vi khuẩn và khiến độc tố vào máu cùng một số cơ quan khác.

  • Người bị tắc nghẽn đường tiết niệu vị trí dưới sỏi: Cụ thể, các trường hợp hẹp cổ đài thận, hẹp niệu quản, hẹp khúc nối bể thận – niệu quản, u xơ tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo,.. nếu thực hiện tán sỏi bằng sóng xung kích sẽ gây cản trở sự đào thải tự nhiên của mảnh vụn sỏi theo đường nước tiểu.

  • Người béo phì: Khoảng cách từ da đến vị trí có sỏi của người béo phì quá lớn do vậy năng lượng của sóng xung kích sẽ không đủ mạnh để tán được sỏi.

Tìm hiểu phương pháp tán sỏi bằng xung kích

Việc tìm hiểu kỹ các thông tin về tán sỏi bằng xung kích sẽ giúp người bệnh hiểu hơn về phương pháp điều trị này và đưa ra quyết định có nên thực hiện hay không.

Ưu, nhược điểm của kỹ thuật tán sỏi bằng sóng xung kích

Kỹ thuật tán sỏi bằng sóng xung kích sở hữu rất nhiều ưu điểm vượt trội như sau:

  • Là thủ thuật hoàn toàn không xâm lấn, không cần can thiệp mổ.

  • Không gây đau đớn.

  • Có thể thực hiện nhiều lần.

  • Không để lại sẹo.

  • Áp dụng được với nhiều loại sỏi.

  • Người bệnh hồi phục nhanh sau tán sỏi, không cần nằm viện.

  • Chi phí hợp lý, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và tiền bạc cho người bệnh.


Tán sỏi bằng sóng xung kích thủ thuật hoàn toàn không xâm lấn, không gây đau

Ngoài những ưu điểm trên, phương pháp bắn sỏi bằng sóng xung kích cũng tồn tại 2 nhược điểm như sau:

  • Không phù hợp với những người bệnh có kích thước sỏi lớn

  • Hiệu quả sau phẫu thuật chỉ đạt tỉ lệ khoảng 55 - 85%. Đặc biệt, với những viên sỏi cứng hoặc có kích thước lớn chưa vỡ ra hết thì có thể phải tán lại ít nhất 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 đến 3 tuần.

Quy trình bắn sỏi bằng sóng xung kích

Quy trình bắn sỏi bằng sóng xung kích bao gồm các bước cơ bản sau:

  • Bệnh nhân nằm trên máy tán sỏi sao cho phần lưng (tương ứng với vị trí của sỏi) có thể tiếp xúc với nguồn tạo sóng xung kích.

  • Bác sĩ sau khi định vị được vị trí có sỏi sẽ điều khiển sóng xung kích tập trung vào viên sỏi và phát xung để tán nát những viên sỏi đó. Mỗi liệu trình điều trị thường không dùng quá 3000 nhịp sóng xung kích nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho nhu mô thận và vẫn tán được sỏi một cách hiệu quả.

Kỹ thuật tán sỏi bằng sóng xung kích không can thiệp gì vào cơ thể của người bệnh do vậy sau khi thực hiện xong từ 7-15 ngày sau các mảnh sỏi vụn sẽ đã có thể tự đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu. Thời gian tán sỏi trung bình thường kéo dài 30 – 45 phút/bệnh nhân. Người bệnh sau khi thực hiện kỹ thuật này xong và nghỉ ngơi vài chục phút đã có thể ra viện.

Biến chứng trong tán sỏi bằng sóng xung kích

Tỷ lệ xảy ra biến chứng khi bắn sỏi bằng sóng xung kích rất thấp. Các rủi ro xảy ra chủ yếu liên quan đến mảnh vụn sỏi và nhiễm trùng đường tiết niệu. Thông thường, những mảnh sỏi có kích thước dưới 5mm có khả năng tự trôi ra ngoài theo nước tiểu. Tuy nhiên chúng vẫn có thể gây ra hiện tượng nhiễm trùng niệu kéo dài khiến người bệnh đau quặn thận hoặc tăng kích thước trở lại.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, trong quá trình tán sỏi, vi khuẩn và các nội độc tố có trong nước tiểu cũng có nguy cơ phát tán vào máu và các mô xung quanh. Điều này khởi phát do ảnh hưởng của xung kích.


Kỹ thuật tán sỏi bằng sóng xung kích cũng có thể gây ra một vài biến chứng cho người bệnh

Cụ thể, một số biến chứng người bệnh có thể gặp sau khi thực hiện kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể là:

  • Biến chứng do vụn sỏi: Gồm sỏi kẹt niệu quản, cơ đau quặn thận.

  • Biến chứng do nhiễm trùng: Gồm vi khuẩn phát tán trong nước tiểu, sốc nhiễm trùng.

  • Biến chứng do tác động lên nhu mô thận: Gồm khối máu tụ quanh thận, tiểu máu đại thể.

  • Biến chứng khác: Chủ yếu là rối loạn nhịp tim

Như vậy, sau khi tán sỏi, người bệnh cần phải theo dõi sát sao sức khỏe của mình. Khi phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ thì hãy thông báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp khắc phục kịp thời.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của tán sỏi bằng sóng xung kích

Hiệu quả của phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Cụ thể:

  • Kích thước sỏi: Tùy vào kích thước sỏi mà việc tán sỏi bằng sóng xung kích sẽ mang lại những kết quả khác nhau. Theo đó, nếu viên sỏi càng to thì thì lệ tán hết sỏi sẽ thấp. Ngược lại, đối với những trường hợp có sỏi nhỏ thì khả năng sạch sỏi là 100%.

  • Vị trí sỏi: Sỏi nằm ở các vị trí phức tạp, khó tiếp cận sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quá trình tán sỏi, nhất là trường hợp sỏi dưới đài thận.

  • Thành phần hóa học của sỏi: Những viên sỏi cứng, chẳng hạn như sỏi canxi monohydreat, canxi phosphat hay sỏi cystin rất khó vỡ nếu chúng ta áp dụng kỹ thuật tán sỏi bằng sóng xung kích

  • Bệnh béo phì: Nếu bệnh nhân bị béo phì thì chắc chắn hiệu quả của tán sỏi bằng sóng xung kích sẽ không cao. Nguyên nhân là ở đối tượng này, khoảng cách từ da đến vị trí sỏi rất dày, trong khi đó năng lượng sóng bị giảm 10-20% khi đi sâu vào cơ thể 6cm. Do vậy thủ thuật này thường sẽ dễ thất bại hoặc không đạt kết quả cao.

                                                                                                                                                                                                                             Theo Bệnh viện đa khoa Phương Đông

 


Tác giả: Lê Hải Vân
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết