A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG PHÒNG BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO SARS-Cov-2

Theo Y học cổ truyền, Viêm đường hô hấp do SARS-C0v-2  thuộc phạm vi “Ôn dịch” của Học thuyết “Ôn bệnh học” và có tên “Cảm mạo ôn bệnh”. Bệnh Ngoại cảm ôn bệnh là tên gọi chung của những bệnh ngoại cảm với những đặc điểm: Khởi phát với phát sốt, bệnh cảnh thiên về nhiệt, diễn biến theo quy luật, bệnh thường cấp tính, diễn tiến nhanh, bệnh cảnh thường nặng. Bệnh thường lây nhiễm nhanh và khi phát bệnh thành dịch thì được gọi là “Ôn dịch”.

Nguyên nhân gây bệnh do mùa đông cảm nhiễm phong hàn chưa đủ sức gây bệnh thành phục tà (đông vu thương hàn xuân tất bệnh ôn) khi đến mùa xuân gặp các yếu tố thuận lợi phát thành dịch lệ. Tà khí theo đường phế vệ hoặc vào miệng, hầu họng vào phế. Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: nhiệt, thấp, đàm, ... mà thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng.

Sử dụng các phương pháp Y học cổ truyền để hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa bệnh.

1. Các phương pháp xông phòng ở, phòng làm việc

1.1. Phương pháp 1

a) Nguyên liệu: Sử dụng dược liệu chứa tinh dầu: Sả chanh, Bạc hà, Quế, Mùi, Bưởi, Tràm gió, Màng tang, Long não, Kinh giới, Tía tô, ...

b) Liều dùng, cách dùng: Có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại từ 200 – 400g tùy theo diện tích phòng, cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm 2 lần, sáng và chiều.

1.2. Phương pháp 2

a) Nguyên liệu: Sử dụng tinh dầu: Sả chanh, Bạc hà, Hương nhu, Bưởi, Tràm, Quế, Long não được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.

b) Liều dùng, cách dùng: Tùy theo diện tích phòng (10 – 40 m2), lấy lượng tinh dầu phù hợp (2 - 4 ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, hoặc xịt vào chỗ cần sát khuẩn, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 – 3 lần.

Lưu ý:

      Không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.

2. Các biện pháp vệ sinh cá nhân

2.1. Thuốc dùng ngoài

2.2.1. Dung dịch nhỏ mũi:

a) Thành phần: Dung dịch Tỏi 10% đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

b) Tác dụng: Sát khuẩn.

c) Liều lượng, cách sử dụng: nhỏ mũi mỗi ngày 3 đến 5 lần, mỗi lần 1 giọt.

2.2.3. Nước súc miệng

2.2.3.1. Dược liệu:

- Thành phần: Tinh dầu quế, Bạc hà, nước muối sinh lý, ...

- Tác dụng: Sát khuẩn miệng, họng.

- Liều dùng, cách sử dụng: Súc họng ngày 2 đến 4 lần.

2.2.3.1. Các loại nước súc miệng khác

- Thành phần: Nước muối sinh lý hoặc các loại nước súc miệng khác.

- Tác dụng: Sát khuẩn miệng, họng.

- Liều dùng, cách sử dụng: Súc miệng, họng ngày 2 đến 4 lần.

2.2.4. Thuốc xông

a) Thành phần: Kinh giới (Herba Elsholtziae ciliatae) 12g, Lá lốt (Herba  Piperis lolot) 8g, Bạc hà (Herba Menthae) 10g, Trần bì (Pericarpium Citri reticulatae perenne) 6g, Bạch chỉ (Radix Angelicae dahuricae) 6g, Kim ngân hoa (Flos Lonicerae) 8g.

b) Bào chế: Các vị thuốc trên làm thành bột.

c) Công dụng: Sát khuẩn đường hô hấp, phòng ngừa cúm, cảm mạo

d) Chỉ định: Viêm đường hô hấp trên, cúm, cảm mạo.

đ) Liều dùng, cách sử dụng:

- Bước 1: Cho toàn bộ gói thuốc vào nồi cùng 1 lít nước sạch và đun sôi, để nhỏ lửa trong 5 đến10 phút.

- Bước 2: Đổ riêng ra 1 cốc 200 ml (để uống). Phần còn lại đổ ra bát sau đó xông vùng mặt trong thời gian 10 đến15 phút.

- Bước 3: Cho thêm nước ấm vào bát thuốc vừa xông và lau rửa mặt.

- Bước 4: Uống cốc thuốc đã chắt ra ở bước 2.

e) Lưu ý: không nên để mặt quá gần bát nước xông tránh bỏng

2.2. Thuốc dùng trong

2.2.1. Bài thuốc: Ngọc bình phong tán:

a) Thành phần:

Sinh Hoàng kỳ

Radix Astragali membranacei

36g

Bạch truật

Rhizoma Atractylodis macrocephalae

12g

Phòng phong

Radix Saposhnikoviae divaricatae

12g

b) Dạng bào chế: Bột hoặc thuốc thang sắc

c) Công dụng: ích khí cố biểu.

c) Liều lượng, cách dùng:

- Thuốc bột: Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 đến 15 gam.

- Thuốc thang: Các vị sắc uống ngày một thang chia 3 lần.

2.2.2. Nước ép Tỏi

a) Thành phần: Củ Tỏi và nước đun sôi để nguội

b) Liều lượng, cách sử dụng:

- Lượng Tỏi vừa đủ

- Xay hoặc nghiền Tỏi lọc lấy nước, hòa cùng nước ấm theo tỷ lệ 1:10.

- Chia uống nhiều lần trong ngày

2.2.3. Một số loại trà thảo dược

2.2.3.1. Trà lá Diếp cá: Lá Diếp cá 5g (tươi 10g). Trà xanh 3g (tươi 6g), Liên kiều 3g, Hậu phác 3g. Các vị thuốc trên cho vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần còn khoảng 70-800 hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày.

2.2.3.2. Trà Kinh giới, Trà xanh: Kinh giới (lá khô) 10g, Trà xanh 3g (tươi 6g). Các vị thuốc trên cho vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần còn khoảng 70-800 pha hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày.

2.2.3.3. Trà Kinh giới, Bạc hà: Kinh giới 5g, Lá Bạc hà 3g, Trà xanh 3g. Các vị thuốc trên vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần còn khoảng 70-800 hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày.

2.2.3.4. Trà Kinh giới, Quế chi: Lá Kinh giới 5g, Quế chi 3g, Trà xanh 3g. Các vị thuốc trên vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần khoảng 70-800 hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày.

2.3.4. Sử dụng dược liệu tươi pha chế làm trà

- Lá Trà tươi 10g, Gừng tươi bỏ vỏ 10 lát; sắc hoặc hãm uống thay trà trong ngày.

- Hoắc hương tươi 10g, lá Tía tô tươi 10g, lá Bạc hà tươi 10g; rửa sạch, sắc hoặc hãm uống thay trà.

- Cam thảo 3g, Phòng phong 6g, hai thứ nghiền nhỏ, hãm vói nước sôi uống thay trà trong ngày.

- Hoắc hương 8g, Tử tô 8g, Kinh giới 8g, Bạc hà 8g, lá Trà 5g, sắc hoặc hãm với nước sôi uống thay trà.

3. Cách ly tại nhà, nơi cơ trú, cách ly y tế tại nơi tập trung, phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

          Cách ly y tế tại nhà, nơi cơ trú thực hiện theo quy định tại Quyết định số 345/QĐ-BYT ngày 07/02/2020; cách ly y tế tại nơi tập trung thực hiện theo quy định tại Quyết định số 344/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona 2019 (COVID-19) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-BYT ngày 19/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế và các văn bản hướng dẫn liên quan khác; thường xuyên cập nhật các quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-Cov-2 và các bệnh dịch liên quan khác.

4. Chế độ ăn, luyện tập nâng cao sức đề kháng

- Giảm stress: Không quá căng thẳng về dịch bệnh nói chung và Covid – 19 nói riêng, cân bằng giữa nghỉ ngơi - làm việc (nên nghỉ trưa, ít nhất 30 phút), tránh các công việc gây stress hay thư giãn. Tránh ngủ sau 22h, trường hợp thức khuya không ngủ sau 23h.

- Chế độ ăn: Chế độ ăn uống phong phú và đa dạng là chìa khóa cho một cơ thể khỏe mạnh, ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng đầy dủ đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất, tránh ăn nhiều các thức ăn chiên xào. Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng nhất là các loại vitamin, ăn nhiều rau củ quả tươi. Hạn chế thuốc lá rượu bia, hạn chế bia rượu, cà phê.

- Tập thể dục, dưỡng sinh.

Tập thở bụng ngày 4 lần, mỗi lần 3-5 phút để tăng sức khỏe. Tập thể dục (thư giãn) giữa giờ. Tự xoa bóp toàn thân lúc sáng dậy.


Tác giả: Quốc Vương
Nguồn:Công văn số 1306/BYT-YDCT ngày 17/3/2020 của Bộ Y tế Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết